Tìm kiếm

TIN TỨC

Vụ “Không cho bảo lãnh người ăn xin?”: Có thể khởi kiện

Thứ tư, 10/10/2012, 14:13 GMT+7

 TT - Theo tôi, cách hiểu và vận dụng quy định về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng của Trung tâm Hỗ trợ xã hội (gọi tắt là trung tâm) như vậy là chưa chính xác.


 Bởi vì, theo khoản 1 điều 1 quyết định 183/2006/QĐ-UBND của UBND TP.HCM (quyết định 183) sửa đổi, bổ sung quyết định 104/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM (quyết định 104) về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.HCM thì chỉ đưa vào trung tâm những đối tượng: người bị tâm thần, người già cô đơn, người tàn tật, người chưa thành niên, người trong độ tuổi lao động nhưng không có sức khỏe và không có khả năng lao động, không còn thân nhân, không nơi nương tựa hoặc bị ngược đãi; trẻ em còn cha mẹ nhưng bị lạm dụng sức lao động hoặc bị xúi giục, ép buộc những việc trái pháp luật.

Do đó, không phải hễ cứ “gom được” người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng nào là phải đưa họ vào trung tâm, mà phải qua sàng lọc xem những người đó có đủ điều kiện đưa vào trung tâm để nuôi dưỡng hay không. Sau khi tiếp nhận để phân loại hồ sơ ban đầu trong thời hạn không quá 15 ngày, người nào không thuộc những trường hợp nêu trên phải đưa về nơi cư trú, hoặc cho bảo lãnh nếu có người thân bảo lãnh.
Mặt khác, điểm a khoản 1 điều 1 quyết định 88/2009/QĐ-UBND của UBND TP.HCM (quyết định 88) quy định “người có hành vi ăn xin bị đưa vào trung tâm lần đầu: thời gian nuôi dưỡng không quá ba tháng, sau thời gian trên đối tượng mới được bảo lãnh”. Quy định này, theo tôi, cần phải hiểu là những trường hợp thuộc diện phải nuôi dưỡng được đưa vào trung tâm lần đầu tiên thì thời hạn nuôi dưỡng không quá ba tháng, chứ không bắt buộc phải nuôi dưỡng đủ ba tháng. Còn việc nuôi dưỡng đối tượng này với thời gian bao lâu (ví dụ: một, hai hay ba tháng hay mọi trường hợp đều nuôi dưỡng đủ ba tháng) là do giám đốc sở lao động - thương binh và xã hội quyết định.
Sau thời gian cụ thể được nêu trong quyết định của giám đốc sở lao động - thương binh và xã hội đối với từng trường hợp, miễn sao không quá ba tháng, người được nuôi dưỡng mới được bảo lãnh về. Chưa kể theo điều 2 quyết định 88, đối tượng được nuôi dưỡng có thời hạn theo quyết định của giám đốc sở nhưng lại thuộc trường hợp đặc biệt theo những hướng dẫn chung của giám đốc sở này thì gia đình sẽ được bảo lãnh họ về trước thời hạn, mà không cần đợi sau thời hạn được nuôi dưỡng theo quyết định đã được ban hành.
Tôi nhận thấy cách diễn đạt tại điều 1 và điều 2 quyết định 88 khó hiểu, dễ đưa đến sự ngộ nhận hễ cứ thuộc đối tượng đưa vào trung tâm là được nuôi dưỡng, mà thực tế không ít người xem là bị nuôi dưỡng cho đủ ba tháng. Do vậy, tôi kiến nghị cơ quan chức năng của TP.HCM, nếu không sửa đổi bổ sung ngay được cho rõ nghĩa hơn, cụ thể hơn thì nên có văn bản giải thích, hướng dẫn để thống nhất trong cách hiểu và thực hiện.
Điều này cũng nhằm cho xã hội hiểu rõ chính sách, quy định nhân đạo của Nhà nước, tránh sự vận dụng, lợi dụng, lạm dụng các quy định đó, mà nhiều khi xuất phát từ việc hiểu không đúng dẫn đến sự lãng phí của Nhà nước và xã hội khi phải nuôi dưỡng đối tượng mà đối tượng đó không còn cần đến sự nuôi dưỡng này vì đã có gia đình bảo lãnh.
Xin nói thêm, đối với những người sau khi được trung tâm phân loại thuộc nhóm 1 (người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.HCM xác định được địa chỉ cư trú) thì theo khoản 1 điều 1 quyết định 183, không thuộc đối tượng đưa vào trung tâm để nuôi dưỡng, mà phải đưa họ về địa phương nơi cư trú. Do vậy, nếu bị đưa vào trung tâm trái quy định thì những người này có quyền khiếu nại quyết định đưa họ vào trung tâm theo Luật khiếu nại và tố cáo hiện hành hoặc khởi kiện ra tòa án theo Luật tố tụng hành chính.
Tương tự, với những người lẽ ra được bảo lãnh về trước thời hạn nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng không được bảo lãnh về trước thời hạn cũng có quyền khiếu nại theo Luật khiếu nại và tố cáo hiện hành, hoặc khởi kiện ra tòa án theo Luật tố tụng hành chính.

Người viết : Luật sư Nguyễn Bảo Trâm